Ô TRẤN – 1300 NĂM TUỔI ĐỜI CHƯA MỘT LẦN THAY TÊN ĐỔI HỌ

08-04-2024

Thị trấn cổ Ô Trấn nằm ở phía bắc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thị trấn cổ Ô trấn đã có 1300 năm lịch sử xây dựng. Do sự chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ngô Việt cho nên bố cục của Ô trấn mang tính triết lý sâu sắc của Nho giáo và văn hóa thương nghiệp vùng ven sông.

Đây là thị trấn cổ trên nước nổi tiếng ở miền nam Trung Hoa. Với diện tích gần 180 nghìn m2, được con sông Kinh Hàng chảy qua và chia thị trấn làm 4 khu vực theo 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc: (Đông sách, Tây sách, Nam sách và Bắc sách). Hiện tại mới có hai khu mở cửa đón du khách tham quan là khu Đông và Tây.

Nhờ có chính sách bảo tồn và tôn tạo di tích hợp lý của chính quyền địa phương từ năm 1998, Ô trấn đã lưu giữ được hình ảnh khá hoàn mỹ của một thị trấn nhỏ vùng Giang Nam với lịch sử hơn một nghìn năm.

Tại đây, ta có thể thấy hình ảnh sống động của những ngôi nhà ở, cửa hiệu buôn bán, không gian giao tiếp công cộng của người Trung Quốc cổ xưa, mà tất cả đều nằm trên bờ những nhánh sông Kinh Hàng. Từ Ô trấn ta có thể đi bằng đường bộ và cả đường sông đến thành phố Hàng Châu nổi tiếng về tơ lụa và phong cảnh thiên nhiên.

KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO CỦA Ô TRẤN

Về mặt kiến trúc và cảnh quan của Ô trấn mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Giang Nam. Giữ nguyên cảnh sắc cổ xưa thời cuối nhà Thanh, đầu những năm Dân Quốc. Đó là dùng mặt sông làm đường phố với hơn 70 cây cầu đá bố trí liên tiếp nhau.

Nhà ở được xây dựng ngay hai bên bờ sông hoặc kênh nước, phương tiện đi lại bằng thuyền gỗ rất thuận tiện và hiệu quả. Sông và phố, cầu nối đường, nhà trên mặt sông, tất cả hòa quyện vào nhau thành những thủy các, cầu kiều, những con hẻm lát đá, những căn nhà mang đậm nét kiến trúc vùng Giang Nam, thể hiện rõ tư tưởng kiến trúc cổ điển “dĩ hòa vi mỹ” của người Trung Quốc.

Tại đây, vẻ đẹp của thiên nhiên hòa cùng với những không gian kiến trúc đậm tính nhân văn tạo nên một thế giới huyền ảo mê hoặc lòng người khi đến với thị trấn cổ trên mặt nước.

Kiến trúc nhà ở của Ô trấn vẫn giữ nguyên giá trị hàng trăm năm qua, với kiểu “Thủy các” – một kiểu kiến trúc đặc thù của thị trấn, mà chỉ ở Ô trấn mới lưu giữ được dưới tên gọi “Nhà tựa trên mặt nước”.

Những ngôi nhà có niên đại hơn trăm năm dùng mặt sông làm điểm tựa chính, như mặt chính tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ngôi nhà có một phần nhô ra ngoài mặt nước, kết cấu chịu lực chủ yếu là các cột bằng đá nguyên khối cắm sâu xuống đáy sông.

Nhà ở của Ô trấn có điểm khác biệt với các thị trấn ven sông khác ở chỗ, ngôi nhà thường được kéo dài ra mặt sông, đuợc nâng đỡ bởi trụ gỗ hoặc trụ đá cắm sâu xuống lòng sông, bên trên là xà ngang và các tấm phản gỗ. Đây chính là “Thủy các”. Ba mặt thủy các đều có cửa sổ, để hướng nào cũng có thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn khung cảnh sông nuớc hữu tình.

Tuy Ô trấn đã trải qua hàng nghìn năm thăng trầm nhưng vẫn giữ được nguyên diện mạo của một thị trấn cổ với những cây cầu, trụ đá, cửa sổ bằng gỗ – đá được trạm khắc hoa văn tinh tế. Khung cảnh của thị trấn cổ kính nên thơ, non nước hữu tình, sông thuyền cầu phố, nhà cửa đường xá đều mang những nét đặc trưng “tiểu kiều, lưu thủy, nhân gia” của vùng sông nước Giang Nam. Mặt chính của nhà hướng ra bờ sông, có lối xuống thuyền và cả cửa sổ đón ánh nắng, ngồi từ trong nhà có thể nhìn ra sông với tầm quan sát thật đẹp và yên bình.

CẢNH ĐẸP NÊN THƠ, CON NGƯỜI BÌNH DỊ

Điều đặc biệt thú vị đối với du khách là khi tới đây họ không chỉ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ, những cây cầu đá, phong cảnh sông nước hữu tình, mà còn được hòa mình vào bầu không khí lịch sử và văn hóa nơi đây, được tận mắt chứng kiến cuộc sống lao động của người dân, với những phong tục tập quán lâu đời và sự hài hòa giữa con người với môi trường thiên nhiên.

Người dân nơi đây sống bình dị như bao vùng nông thôn khác trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Họ có nghề dệt, nhuộm vải, nấu rượu, nay thêm nghề thủ công làm các sản phẩm du lịch. Chính dòng sông đem lại cho họ nguồn sống và giao thương buôn bán, từ đồ ăn thức uống, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho đến việc kinh doanh buôn bán nhỏ. Nét truyền thống văn hóa của thị trấn cổ đã được kế thừa từ hàng nghìn năm, trở thành điểm hấp dẫn của Ô trấn.

Tại đây vẫn còn bảo tồn được xưởng trưng cất rượu Tam Bạch và xưởng nhuộm Hồng Nguyên. Rượu Tam Bạch là đặc sản của Ô trấn, với mùi vị thơm nồng và thuần khiết nổi tiếng khắp vùng. Khách tham quan có thể xem quá trình nấu và nếm rượu Tam Bạch vừa được trưng cất ra. Xưởng nhuộm Hồng Nguyên đã có gần nghìn năm lịch sử, trong đó có loại vải in hoa màu xanh lam nổi tiếng. Màu lam này là màu thiên nhiên, không gây ô nhiễm. Vải và thuốc nhuộm đều làm từ các vật liệu truyền thống, hình vẽ và hoa văn mang đậm chất dân gian.

Năm 1999, tỉnh Triết Giang đã đầu tư 200 triệu Nhân dân tệ để trùng tu tôn tạo toàn bộ thị trấn cổ, nhằm lưu giữ mãi mãi một di sản văn hóa, lịch sử cho các thế hệ mai sau. Ô trấn cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chia sẻ bài viết

Thuận Phong Travel

Góc khám phá

PÙ LUÔNG VÀO MÙA LÚA CHÍN

Cuối tháng 5, lúa chín vàng trên những ruộng bậc thang thoai thoải ở Pù Luông, tạo nên bức tranh mùa vàng hút mắt. Nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 17.600 ha trải dài trên địa phận hai huyện Bá Thước và […]

Đọc thêm

BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI KHEN SAPA NỨC NỞ

Trong số 16 thị trấn được lựa chọn, Sa Pa là một trong hai đại diện ở Đông Nam Á, bên cạnh thị trấn Wae Rebo của Indonesia. Tạp chí Time Out mô tả Sa Pa là thị trấn nằm ở phía Bắc Việt Nam, giữa những ngọn núi hùng vĩ, thung lũng sâu và các thửa ruộng bậc thang đặc […]

Đọc thêm

KHÁM PHÁ SÀI GÒN XƯA VÀ NAY

Người ta nói, Sài Gòn có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Sài Gòn lưu lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang của nước nhà. Sài Gòn hối hả, tất bật với nhịp sống hiện đại của một thành phố lớn. Sài Gòn nuôi dưỡng niềm hy vọng về một tương lai […]

Đọc thêm
Thuận Phong Travel
Hãy để Thuận Phong Travel đồng hành cùng những chuyến đi của bạn